Trang chủ Lớp 11 SBT Sinh lớp 11 - Cánh diều Chương 1. Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở sinh vật Câu hỏi trang 29 SBT Sinh lớp 11 - Cánh diều: Giải thích vì sao khi xây dựng các “ngân hàng hạt giống” người ta thường chọn xây dựng ở những nơi có khí hậu...

Câu hỏi trang 29 SBT Sinh lớp 11 - Cánh diều: Giải thích vì sao khi xây dựng các “ngân hàng hạt giống” người ta thường chọn xây dựng ở những nơi có khí hậu...

Khí hậu lạnh giúp hạn chế hô hấp. Phân tích và giải Câu hỏi trang 29 - Hướng dẫn phân tích và trả lời một số câu hỏi chương 1 trang 4 - 5 - 6 - SBT Sinh lớp 11 Cánh diều.

1.129.

Giải thích vì sao khi xây dựng các “ngân hàng hạt giống” người ta thường chọn xây dựng ở những nơi có khí hậu lạnh.

Phương pháp giải :

Khí hậu lạnh giúp hạn chế hô hấp

Lời giải chi tiết:

Xây dựng “ngân hàng hạt giống” ở những nơi có khí hậu lạnh nhằm tận dụng nhiệt độ thấp để ức chế quá trình hô hấp tế bào. Nhờ đó, hạt ít bị thay đổi nên bảo quản được lâu hơn.

1.130.

Giải thích tại sao phải ngâm hạt vào nước trước khi gieo nhưng khi ngâm quá lâu trong nước thì hạt lại bị thối.

Phương pháp giải :

Ngâm trong nước hạt không có oxy

Lời giải chi tiết:

- Ngâm hạt giống vào trong nước nhằm tăng cường lượng nước trong tế bào, kích thích các phản ứng thuỷ phân biến đổi các hợp chất phức tạp (tinh bột, protein, lipid,...) thành những chất hữu cơ đơn giản (glucose, amino acid, acid béo,...). Ngoài ra, tăng cường lượng nước trong tế bào cũng giúp các enzyme hoạt động, xúc tác các phản ứng trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng trong tế bào, đặc biệt là hô hấp tế bào. Nhờ đó, hạt có đủ vật chất và năng lượng để kích thích sự nảy mầm của hạt.

- Tuy nhiên, khi ngâm nước quá lâu sẽ làm giảm lượng O2 trong tế bào, thực vật sẽ chuyển từ hô hấp sang lên men. Quá trình lên men sẽ tích lũy lactic acid hoặc ethanol trong tế bào thực vật, khi các chất này tích lũy nhiều sẽ làm cho tế bào bị chết và hạt bị thối.

1.131.

Trình bày cơ sở khoa học của việc phơi khô và giữ trong túi hút chân không khi bảo quản nông sản.

Phương pháp giải :

Cơ sở của các biện pháp bảo quản nông sản

Lời giải chi tiết:

Cơ sở khoa học của việc phơi khô và giữ trong túi hút chân khôngkhi bảo quản nông sản:

- Tác dụng của phơi khô: Việc phơi khô làm giảm lượng nước trong các tế bào, do đó sẽ ức chế các quá trình hô hấp tế bào nên chất lượng của nông sản ít thay đổi.

- Tác dụng của việc hút chân không: Việc hút chân không làm giảm lượng O2 trong môi trường, không có O2 thì thực vật không thể hô hấp được, do đó sẽ không có năng lượng thực hiện các phản ứng trao đổi chất khác nên chất lượng của nông sản ít thay đổi.

Vì vậy, kết hợp hai biện pháp bảo quản nêu trên thì chất lượng nông sản ít bị biến đổi.

1.132.

Vừa tiêu hoá nội bào, vừa tiêu hoá ngoại bào ở thuỷ tức có ý nghĩa gì?

Phương pháp giải :

Hình thức tiêu hóa ở thủy tức

Lời giải chi tiết:

iêu hoá thức ăn trong túi tiêu hoá (túi tiêu hoá chỉ có một đường để thức ăn vào, chất thải đi ra không có cơ quan tiêu hoá chuyên biệt. Do đó, thuỷ tức không thể lưu trữ thức ăn lâu trong túi tiêu hoá và tiêu hoá dần mà thức ăn cần được tiêu hoá hết, đào thải hết chất thải thì mới tiếp tục quá trình lấy thức ăn tiếp được. Bởi vậy, vừa tiêu hoá nội bào, vừa tiêu hoá ngoại bào sẽ giúp thuỷ tức nâng cao hiệu quả tiêu hoá: tiêu hoá ngoại bào ở thuỷ tức sẽ giúp thuỷ tức tiêu hoá được thức ăn tương đối lớn, đồng thời, chúng phải tận dụng tiêu hoá nội bào để tiêu hóa nhanh thức ăn.

1.133.

Một nam học sinh 17 tuổi khoẻ mạnh, thời gian gần đây bạn ấy thực hiện chế độ ăn như sau: năng lượng khoảng 2.000 kcal, protein: 150 g, lipid: 50 g, carbohydrate- 200 g. Em có nhận xét gì về chế độ ăn của học sinh đó? Học sinh đó cân thay đổi chế độ ăn như thế nào? Giải thích.

Phương pháp giải :

Dựa vào chế độ ăn uống chuyên gia khuyên dùng

Lời giải chi tiết:

- Nhận xét về chế độ ăn của học sinh trên:Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, chế độ ăn của học sinh trên có năng lượng thấp hơn so với nhu cầu, thừa protein, thiếu lipid và carbohydrate→Chế độ dinh dưỡng như vậy là không cân bằng.

image

- Học sinh đó cần thay đổi chế độ ăn bằng cách giảm protein; tăng lipid, carbohydrate và năng lượng; bổ sung thêm đủ nước, rau và trái cây.

1.134.

Ở người, nồng độ CO2 trong máu thay đổi như thế nào (tăng, giảm, không

đổi) trong các trường hợp sau? Giải thích.

(1) Khi tập thể dục mạnh.

(2) Khi bị sốt cao.

(3) Khi lặn (không sử dụng các thiết bị hỗ trợ hô hấp).

Phương pháp giải :

Dựa vào cường độ hô hấp của các trường hợp

Lời giải chi tiết:

(1) Ở trường hợp này, nồng độ CO2 trong máu tăng. Giải thích: Tập thể dục cường độ cao sẽ kích thích tăng cường quá trình hô hấp tế bào dẫn đến sinh ra nhiều CO2 khuếch tán vào máu, làm tăng nồng độ CO2 trong máu.

(2) Ở trường hợp này, nồng độ CO2 trong máu tăng. Giải thích: Khi sốt cao (thân nhiệt tăng), quá trình hô hấp tế bào diễn ra mạnh nên thải ra nhiều khí CO2 khuếch tán vào máu, làm tăng nồng độ CO2 trong máu.

(3) Ở trường hợp này, nồng độ CO2 trong máu tăng. Giải thích: Khi lặn không sử dụng các thiết bị hỗ trợ hô hấp, không thở ra, CO2 được sinh ra không được thải ra ngoài, nhiều CO2 khuếch tán vào máu làm tăng nồng độ CO2 trong máu.

1.135.

Ở người hút thuốc lá bị mắc bệnh khí phế thũng (những vách ngăn giữa các phế nang bị phá huỷ). Nồng độ O2 trong máu ở những người này thay đổi (tăng, giảm, không đổi) như thế nào? Giải thích.

Phương pháp giải :

Bệnh phế thũng là bệnh vách ngăn giữa các phế nang bị phá hủy

Lời giải chi tiết:

- Ở người hút thuốc lá bị mắc bệnh khí phế thũng, nồng độ O2 trong máu giảm.

- Giải thích: Do những vách ngăn giữa các phế nang bị phá huỷ nên diện tích bề mặt trao đổi khí ở những người này giảm, vì vậy, lượng O2 từ phổi đến máu giảm. Đồng thời, khi thở ra, các phế nang bị tổn thương không hoạt động bình thường nên không khí cũ bị ứ đọng lại, giảm lượng khí giàu O2 đi vào, dẫn đến nồng độ O2 trong máu giảm.

1.136.

Tại sao độ ẩm không khí cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp?

Phương pháp giải :

Độ ẩm không khí cao thích hợp cho VSV gây bệnh sinh sôi

Lời giải chi tiết:

Độ ẩm không khí cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp vì: Độ ẩm không khí cao là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh(virus, vi khuẩn, nấm mốc,...) trong không khí phát triển, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp.

1.137.

Vì sao từ hệ tuần hoàn hở đến hệ tuần hoàn kín là một xu hướng tiền hoá?

Phương pháp giải :

Hệ tuần hoàn kín có ưu điểm hơn hệ tuần hoàn hở

Lời giải chi tiết:

Hệ tuần hoàn hở đến hệ tuần hoàn kín là một xu hướng tiến hoá vì: Hệ tuần hoàn kín có nhiều ưu điểm so với hệ tuần hoàn hở. Cụ thể: Máu chảy trong hệ tuần hoàn kín với áp lực cao hơn, vận tốc lớn hơn hệ tuần hoàn hở nên máu có thể đi xa, đến các cơ quan nhanh. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của cơ thể tốt hơn, do đó hệ tuần hoàn kín giúp sinh vật tiến hoá theo hướng có kích thước cơ thể lớn hơn và mức độ hoạt động cao hơn.

1.138.

Mô tả đường đi của máu trong hệ tuần hoàn của cá (xuất phát từ tim) và giải thích vì sao hệ tuần hoàn của cá gọi là hệ tuần hoàn đơn.

Phương pháp giải :

Dựa theo sơ đồ hệ tuần hoàn đơn

Lời giải chi tiết:

- Đường đi của máu trong hệ tuần hoàn ở cá: Máu từ tim (từ tâm nhĩ xuống tâm thất) theo động mạch mang đến mang, tại mang máu thực hiện quá trình trao đổi khí, chuyển từ máu nghèo O2 thành máu giàu O2 và theo động mạch lưng đến cung cấp O2 cho các cơ quan trong cơ thể (thông qua các mao mạch ở cơ quan); máu nghèo O2 từ cơ quan theo tĩnh mạch chủ quay trở lại tâm nhĩ của tim.

- Hệ tuần hoàn của cá gọi là hệ tuần hoàn đơn vì chỉ có một vòng tuần hoàn.

1.139.

Mô tả đường đi của máu trong hệ tuần hoàn của thú (xuất phát từ tim) và giải thích vì sao hệ tuần hoàn của thú gọi là hệ tuần hoàn kép.

Phương pháp giải :

Dựa theo sơ đồ hệ tuần hoàn kép

Lời giải chi tiết:

- Đường đi của máu trong hệ tuần hoàn ở thú gồm có hai vòng tuần hoàn: vòng tuần hoàn phổi và vòng tuần hoàn hệ thống. Ở vòng tuần hoàn phổi: Máu nghèo O2 từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải, theo động mạch phổi lên phổi, tại phổi máu thực hiện quá trình trao đổi khí chuyển thành máu giàu O2 rồi quay trở lại tâm nhĩ trái của tim qua tĩnh mạch phổi. Ở vòng tuần hoàn hệ thống: Máu giàu O2 từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất rồi vào động mạch chủ đến cung cấp O2 cho các cơ quan trong cơ thể (thông qua các mao mạch ở cơ quan); máu nghèo O2 từ cơ quan theo tĩnh mạch chủ quay trở lại tâm nhĩ phải của tim.

- Hệ tuần hoàn của thú gọi là hệ tuần hoàn kép vì có hai vòng tuần hoàn.

1.140.

Phân tích đặc điểm cấu tạo của tim phù hợp với chức năng mà nó đảm nhiệm.

Phương pháp giải :

Quan sát cấu trúc của tim

Lời giải chi tiết:

Chức năng của tim là co dãn theo chu kì giúp bơm máu vào động mạch và hút máu từ tĩnh mạch về tim, nhờ đó máu được tuần hoàn khắp cơ thể. Các đặc điểm cấu tạo tim phù hợp với chức năng:

- Tim có hệ dẫn truyền tim tạo tính tự động trong hoạt động co dãn theo chu kì của tim.

- Độ dày thành cơ tim phù hợp với chức năng bơm máu của mỗi buồng tim. Thành cơ tim tâm thất dày hơn tâm nhĩ, thành cơ tim bên trái dày hơn bên phải. Điều này có ý nghĩa: Khi mỗi buồng tim co sẽ tạo áp lực để bơm máu đi với quãng đường phù hợp với chức năng của mỗi buồng tim. Ví dụ: Thành cơ tim tâm nhĩ mỏng phù hợp với lực co đủ để bơm máu xuống tâm thất. Thành cơ tim tâm thất trái dày hơn tâm thất phải phù hợp với việc tạo áp lực lớn để bơm máu đi khắp cơ thể trong vòng tuần hoàn hệ thống.

- Tim có các van tim, giúp máu chảy một chiều từ tâm nhĩ xuống tâm thất và lên động mạch.

- Tim được điều hoà bởi cơ chế thần kinh và thể dịch, giúp thay đổi hoạt động phù hợp với nhu cầu của cơ thể.

1.141.

Trình bày hoạt động của hệ dẫn truyền tim và quá trình vận chuyển máu trong buồng tim ở một chu kì hoạt động của tim động vật có vú.

Phương pháp giải :

Quan sát cấu trúc của tim

Lời giải chi tiết:

- Hoạt động của hệ dẫn truyền tim: Hệ dẫn truyền tim gồm: nút nút nhĩ thất, bó His và các sợi Purkinje. Nút xoang nhĩ phát xung thần kinh. Xungthần kinh từ nút xoang nhĩ truyền xuống tâm nhĩ làm tâm nhĩ co và đồng thời truyền xuống nút nhĩ thất. Xung thần kinh từ nút nhĩ thất truyền qua bó His và các sợi Purkinje xuống cơ tâm thất làm tâm thất co.

- Quá trình vận chuyển máu trong buồng tim ở một chu kì hoạt động của tim động vật có vú: Khi tâm nhĩ co, máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất; khi tâm thất co, máu từ tâm thất lên động mạch, máu từ tĩnh mạch về tâm nhĩ; pha dãn chung: máu từ tĩnh mạch về tâm nhĩ, từ tâm nhĩ xuống tâm thất.

1.142.

Vẽ sơ đồ giải thích cơ chế điều hoà tim mạch khi hoạt động thể lực mạnh.

Phương pháp giải :

Cơ chế điều hòa hoạt động của tim mạch

Lời giải chi tiết:

Sơ đồ giải thích cơ chế điều hoà tim mạch khi hoạt động thể lực mạnh:

image

Dụng cụ học tập

Chúng ta cần sách giáo khoa, vở bài tập, bút mực, bút chì, kính hiển vi, mẫu sinh vật và các dụng cụ thí nghiệm khác.

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Sách Giáo Khoa: Cánh diều

- Bộ sách Cánh Diều được lựa chọn bởi phù hợp nhiều đối tượng học sinh. Mỗi cuốn sách giáo khoa Cánh Diều đều chứa đựng rất nhiều sáng tạo, tâm huyết, mang đầy tri thức và cảm xúc của các tác giả biên soạn.

Đọc sách

Có thể bạn chưa biêt?

Sinh học là môn khoa học nghiên cứu về sự sống và các sinh vật. Từ cấu trúc tế bào đến các hệ sinh thái phức tạp, sinh học giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của sự sống và mối quan hệ giữa các loài.

Nguồn : Wikipedia - Bách khoa toàn thư

Lời chia sẻ Lớp 11

Lớp 11 - Năm học quan trọng, bắt đầu hướng đến những mục tiêu sau này. Hãy học tập chăm chỉ và tìm ra đam mê của mình để có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai!'

- Học nhưng cũng chú ý sức khỏe nhé!. Chúc các bạn học tập tốt.

Nguồn : Sưu tập

Copyright © 2024 Loi Giai SGK